Học võ không chỉ là học cách đánh, học cách giành chiến thắng, mà còn là một hành trình tu tâm dưỡng tánh, là môn thể thao để phát triển thân-tâm-trí toàn diện. Học võ là một nền tảng giúp phát triển công việc, phát triển các mối quan hệ trong cuộc sống.
 |
Học võ là để làm gì? |
Để trở thành một người học võ chân chính, người ta cần phải rèn luyện bản thân từ tinh thần đến thể chất. Tu tâm là quá trình trau dồi và hoàn thiện tâm hồn, giúp con người đạt được sự cân bằng tâm linh và trở nên kiên định trong quyết tâm và hành động.
Khi học võ, không chỉ cần có kỹ năng và kỹ thuật, mà còn cần có đức tính, phẩm chất để trở thành một người học võ chân chính. Việc có đức và phẩm chất tốt sẽ giúp người học võ trở nên tự tin, kiên trì và kiểm soát được hành động của mình, đó là nền tảng giúp phát triển công việc, phát triển các mối quan hệ trong cuộc sống.
Người có đức và phẩm chất tốt sẽ đặt lợi ích của những người khác lên trên lợi ích của mình. Họ biết cách tôn trọng đối thủ, không sử dụng võ để đánh bại mà để bảo vệ, không tỏ ra kiêu ngạo và kiểm soát được cảm xúc của mình. Từ đó giúp người học võ trở nên kiên định và có ý chí mạnh mẽ trong cuộc sống.
Nhớ lại thời đi học, có một câu theo ta suốt quãng đường ngồi ghế nhà trường luôn được gắn ở trên bảng đó là "tiên học lễ - hậu học văn". Triết lý đó nhắc ta rằng, trước khi dùng "tài" điều quan trọng là phải học đức tính lễ nghĩa và giá trị nhân văn. Chỉ khi bạn có đạo đức tốt, bạn mới có thể sử dụng kỹ thuật võ nghệ một cách hiệu quả và đúng đắn. Tất cả những gì bạn học được trong võ nghệ sẽ được sử dụng cho mục đích tốt đẹp, giúp bảo vệ bản thân và giúp đỡ những người khác khi cần thiết.
Học võ không nhất thiết phải trở thành võ sĩ vì võ sĩ là một sự nghiệp, nhưng học võ phải nhất định trở thành người học võ chân chính, giúp cho chính mình và giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.
Judo Khỏe sưu tầm và biên tập