Vẻ đẹp của người học trò võ được toát lên từ vẻ đẹp tinh thần, rồi đến vẻ đẹp thực hành và hành động áp dụng vào cuộc sống, dưới đây là 5 vẻ đẹp của người học trò võ.
1. Trước hết, đó là người kiên trì tập luyện, bền gan, bền chí, một lòng một dạ đi theo theo con đường đã chọn, mặc cho gió mưa, bệnh tật, gian nan, thử thách... quyết không lùi bước; khác xa với loại tính cách hồ hởi phấn khởi lúc đầu, rồi đôi ba tháng sau nguội lạnh và bỏ cuộc.
2. Là người có tinh thần học hỏi, tìm tòi, động não; có khát khao vươn lên những tầm cao, có công phu tiến bộ khi luyện tập; khác xa với tính cách bầy hầy, hời hợt, qua loa đại khái, háo danh, và võ biền.
3. Là người trọng danh dự, không muốn làm tổn thương ai nhưng cũng không để ai làm tổn thương mình.
4. Là người “không thấy giàu mà ham, không vì nghèo mà đổi lòng, không vì trước bạo lực mà sợ”. Là người bản lĩnh, không để bị cám dỗ bởi những lạc thú tầm thường như bài bạc, hút xách, rượu chè, bê tha, thác loạn..., biết lấy điều gì tử tế làm trọng để tập trung phát triển.
5. Là người biết giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo: Tình nghĩa thủy chung với thầy với bạn; khác xa với loại người lừa thầy phản bạn, ăn cháo đá bát. Học võ thì thầy phải ra thầy và trò phải ra trò với những tiêu chuẩn chuyên nghiệp từ thái độ, kiến thức đến kỹ năng.
Đó là 5 nét căn bản tạo nên vẻ đẹp của người học trò của Võ.
Hình ảnh VĐV tại giải Karate-Do các CLB Nghĩa Dũng Tuyên Hóa mở rộng lần thứ VII - năm 2024, tranh cúp Asudo - Ảnh 1. |
Hình ảnh VĐV tại giải Karate-Do các CLB Nghĩa Dũng Tuyên Hóa mở rộng lần thứ VII - năm 2024, tranh cúp Asudo - Ảnh 2 |
Hình ảnh VĐV tại giải Karate-Do các CLB Nghĩa Dũng Tuyên Hóa mở rộng lần thứ VII - năm 2024, tranh cúp Asudo - Ảnh 3 |
Đây là trích lời từ Thầy - Võ sư Nguyễn Văn Dũng, người sáng lập Nghĩa Dũng Karate-Do.
Nguồn: Võ sư Nguyễn Dung Minh ghi